Năm 2024 được xem là năm bản lề của thị trường bất động sản Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho giai đoạn chuyển mình sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn.
Thị trường BĐS trong hai năm 2022-2023 đã trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, nguồn cung đóng băng, thanh khoản giảm mạnh và những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Các doanh nghiệp không chỉ chịu sức ép tài chính mà còn phải định hướng lại chiến lược để thích nghi.
Tuy nhiên, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua các chính sách tháo gỡ khó khăn. Điển hình là các gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, việc sửa đổi Luật Đất đai 2023 và Luật Kinh doanh BĐS, cùng các chính sách khuyến khích đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng. Đây cũng là năm cuối cùng để chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút của kỳ kế hoạch 5 năm (2021-2025), khi các doanh nghiệp cần tái cơ cấu danh mục sản phẩm, tập trung vào nhu cầu thực tế của thị trường thay vì chỉ theo đuổi phân khúc cao cấp.
Theo báo cáo mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở đã dần được cải thiện nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn. Dẫu vậy, sự phục hồi vẫn còn đối mặt với thách thức lớn, khi cơ cấu nguồn cung chưa cân bằng giữa các phân khúc. Giá bất động sản tại một số thị trường trọng điểm như Hà Nội và TP.HCM bắt đầu ổn định, trong khi các khu vực ngoại ô với hạ tầng phát triển mạnh mẽ ghi nhận mức tăng giá từ 5-10% so với năm 2023.
Thị trường cũng đã chứng kiến sự quay trở lại của một lượng tương đối lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, Môi giới Bất động sản. Nguồn cung dần cải thiện, niềm tin nhà đầu tư củng cố, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm mới đạt trên 70%. Với những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2024, cùng sự hỗ trợ sát sao từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành, thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.
Kỷ nguyên mới cho thị trường bất động sản Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều biến động, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2024-2025 sẽ có xu hướng đi ngang và chỉ phục hồi nhẹ từ năm 2026. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì một nhịp độ tăng trưởng khá mạnh mẽ, với triển vọng đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và 2025. Mặc dù nền kinh tế trong nước còn gặp phải không ít thử thách, sự tăng trưởng này vẫn là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.
Cùng với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô sẽ đóng góp đáng kể vào việc phục hồi thị trường BĐS. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan, trong đó có bất động sản. Khi nền kinh tế ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư cũng được củng cố, kéo theo các cơ hội phát triển cho thị trường BĐS.
Để phân tích, đánh giá một cách sâu sắc, đa chiều và tổng thể về toàn bộ diễn biến của thị trường Bất động sản Việt Nam năm 2024. Từ đó, đưa ra dự báo về diễn tiến và xu hướng thị trường bất động sản năm 2025.
Trong bối cảnh thị trường đang “thay da đổi thịt”, Diễn đàn Bất động sản Việt Nam (VREF) 2025 không chỉ là cơ hội để cộng đồng cùng nhìn lại những thách thức và bài học trong thời gian qua, mà còn là nơi kết nối, chia sẻ những ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo nhằm kiến tạo tương lai bền vững cho thị trường.
Tại VREF 2025, các kết quả nghiên cứu thị trường sẽ được công bố một cách chi tiết, cụ thể mang đến cái nhìn toàn diện về thực trạng và triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam. Các phiên tham luận, tọa đàm cùng với các chủ đề “nóng hổi”, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành sẽ mở ra những góc nhìn đa chiều về xu hướng phát triển, những cơ hội và giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và áp dụng hiệu quả.