Hiện nay nhiều dự án trong đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm nay.
Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng TPTM qua việc ban hành kiến trúc tổng thể TPTM và phê duyệt đề án xây dựng TPTM tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, thành phố có 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019 và 2020, Đà Nẵng bố trí 345 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện, kết hợp với khoảng 600 tỷ đồng từ hợp tác với các doanh nghiệp.
Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đến thời điểm này, các dự án đều đang được triển khai đúng tiến độ. Cụ thể, trong các dự án từ nguồn vốn sự nghiệp công nghệ thông tin 2019 (tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng), có 5 dự án đã phê duyệt hồ sơ, đang thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2019 gồm: thí điểm giải pháp nhận dạng để quản lý đô thị, thí điểm camera trên xe bus để giám sát hạ tầng giao thông, thí điểm chức năng đếm lưu lượng giao thông và điều khiển đèn tín hiệu dựa trên dữ liệu của hệ thống camera giao thông hiện có, xây dựng nền tảng dịch vụ tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường.
Đối với 28 dự án sử dụng vốn xây dựng cơ bản (tổng kinh phí 324 tỷ đồng) như nâng cấp, mở rộng mạng đô thị MAN; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng; nâng cấp nền tảng chính quyền điện tử eGov và các ứng dụng dùng chung…, đa phần đã được thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư trong năm 2019 và sẽ thi công trong năm 2020.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, dự án xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được phê duyệt thiết kế thi công, hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và đang triển khai.
Theo đó, thành phố sẽ hiệu chỉnh các dịch vụ công, có thay đổi về thủ tục hành chính; chú trọng các dịch vụ được sử dụng nhiều, có số lượng hồ sơ phát sinh cao, có quy trình nghiệp vụ phù hợp để nộp hồ sơ qua mạng. Ngoài ra, sẽ tích hợp các công nghệ như: thanh toán điện tử, chữ ký số; xác thực thông tin người nộp hồ sơ nhằm giảm thiểu thời gian nộp và xử lý hồ sơ.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2020, Đà Nẵng có 3 dự án từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn hợp tác doanh nghiệp với tổng kinh phí 279 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE), Đà Nẵng đã ký biên bản ghi nhớ với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Hiện Sở TT&TT đang triển khai lập cáo cáo chủ trương đầu tư để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nội bộ, từ đó gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với dự án Cổng thông tin giao thông trực tuyến do Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty CP FPT thực hiện, UBND thành phố thống nhất triển khai giai đoạn 1 gồm các phân hệ: dành cho quản lý, dành cho người dân lớp bản đồ nền. Đối với phần mềm quản lý bệnh viện và phần cứng cho các bệnh viện thành phố với tổng kinh phí 35 tỷ đồng từ vốn hợp tác với Công ty CP FPT, hiện đã triển khai cho 11/16 bệnh viện công trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Ngọc Thạch cho biết thêm, mục tiêu của đề án TPTM tại Đà Nẵng đến hết năm nay là bảo đảm sẵn sàng về hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Thành phố đã xác định rõ một số kết quả chính cần đạt được trong giai đoạn này như: mạng đô thị MAN được mở rộng kết nối đến các cơ quan Đảng và các đơn vị sự nghiệp; hình thành Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, hỗ trợ việc chỉ đạo, điều hành, quản lý TPTM, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền và bắt đầu hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết hợp với liên thông dữ liệu; hoàn thiện các bệnh viện điện tử và triển khai 1 bệnh viện thông minh...