DÒNG VỐN ĐẦU TƯ SẼ TÌM ĐƯỜNG VÀO BẤT ĐỘNG SẢN SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Trang Chủ  /  Tin Tức  /  TIN THỊ TRƯỜNG

blog image

DÒNG VỐN ĐẦU TƯ SẼ TÌM ĐƯỜNG VÀO BẤT ĐỘNG SẢN SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

2023-12-18  /

Covid-19 gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình thực hiện, triển khai và hoàn tất giao dịch mua bán BĐS, tuy nhiên không vì thế, dòng vốn đổ vào thị trường này bị hạn chế mà sẽ tiếp tục tăng trưởng ở những loại hình nhất định.

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra một số gián đoạn cho thị trường BĐS tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp ngăn chặn hiệu quả từ Chính phủ, các hoạt động kinh doanh đang dần trở lại trạng thái bình thường từ đầu tháng 5. Để dòng vốn BĐS có thể chảy lại vào thị trường thuận lợi, đòi hỏi thời gian phục hồi nhất định.

Theo số liệu của tổ chức World Bank, kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 4,9% trong năm nay. Trong quý đầu tiên, nền kinh tế tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng này là tương đối cao trong bối cảnh chung toàn cầu, mặc dù đây là mức thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua. Đánh giá của World Bank cho thấy Việt Nam vẫn đang duy trì các yếu tố cơ bản tốt, với tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á. 

Nhìn nhận về xu hướng đầu tư trong 5 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam cho rằng, dòng vốn M&A vào BĐS đang có những điểm nghẽn do tác động tiêu cực từ đại dịch. Về phía nhà đầu tư ngoại, các giao dịch phải thực hiện thẩm định giá nhiều hơn, việc chốt hạ thương vụ cần nhiều thời gian hơn. Mặc dù vậy, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín. 



Riêng đối với nhà đầu tư nội địa, quá trình phê duyệt bị trì hoãn cùng với chính sách thắt chặt tín dụng và ảnh hưởng từ dịch bệnh đã tạo áp lực ngắn hạn lên dòng tiền và thanh khoản của nhà đầu tư. Do đó, một số nhà phát triển trong nước tích cực huy động vốn thông qua hình thức tài trợ nợ, điển hình như: phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tìm kiếm đối tác vốn. Mặc dù dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tài chính, thị trường vẫn chưa ghi nhận xu hướng bán tài sản nợ xấu từ các công ty bất động sản nội địa trong quý đầu năm. 

Bà Vân Khanh nhìn nhận, xu hướng đầu tư BĐS trong thời gian qua chủ yếu đến từ giới đầu tư đã am hiểu về biến động rủi ro và nhu cầu thị trường, biết tận dụng thời điểm để tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt, mở rộng danh mục đầu tư. Riêng với nhóm đầu tư mới tham gia vào thị trường thì có phần bảo thủ hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều khoản vốn đầu tư lớn dự kiến sẽ đổ vào thị trường phải tạm dừng trong thời gian bất ổn. Ngoại trừ các giao dịch đang trong quá trình triển khai, các giao dịch có kế hoạch triển khai hầu như đều tạm thời trì hoãn. 

“Tuy vấp phải lực cản nhất thời, dòng vốn đổ vào BĐS sẽ tăng trưởng trở lại khi tình hình Covid-19 trên thế giới ổn định hơn. Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, giữ vững cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường trong dài hạn. Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi thời cơ, chưa thật sự trở lại thị trường nên trong quý 2 thị trường chưa nhiều biến động. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh của họ trở lại bình thường. Vị trí đàm phán giữa người bán và người mua ngày càng trở nên cân bằng hơn. Do đó, kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm 2020 hoặc 2021,” bà Khanh nhận định.

Bàn về xu hướng đầu tư trong thời gian tới đây, bà Nguyễn Thị Vân Khanh cho rằng, nhu cầu đầu tư BĐS khu công nghiệp được dự báo là thị trường hứa hẹn nhất. Xu hướng hạn chế sản xuất và phụ thuộc vào một quốc gia sẽ kéo thị trường Việt Nam thành điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Từ 2019, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi, việc thực hiện M&A BĐS còn nhiều thách thức. Để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, Việt Nam cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tại Việt Nam nên nắm bắt cơ hội để thay đổi và cải thiện.