FUSION XÂY HÀNH TRÌNH NGHỈ DƯỠNG

Trang Chủ  /  Tin Tức  /  TIN THỊ TRƯỜNG

blog image

FUSION XÂY HÀNH TRÌNH NGHỈ DƯỠNG

2023-12-18  /

Fusion phát triển mô hình khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng tập trung vào các gói chăm sóc sức khỏe chuyên biệt và chủ động khác. Các dịch vụ spa và đồ ăn được tính trọn gói trong giá phòng.
 


WELLNESS VOYAGE - HÀNH TRÌNH NGHỈ DƯỠNG là tên gọi của các gói sản phẩm của Fusion Resort Phú Quốc, khu nghỉ dưỡng do tập đoàn Fusion sở hữu và quản lý. Nằm giữa khu rừng nhiệt đới, hướng biển và sông, khu nghỉ có 97 biệt thự với vườn và hồ bơi riêng trong tổng số 130 phòng, với giá khởi điểm từ 345 đô la Mỹ/đêm. Nét đặc biệt tại khu nghỉ dưỡng này, tùy vào lựa chọn hành trình ba, năm ngày hoặc bảy ngày, là du khách nghỉ dưỡng kết hợp chủ động chọn lựa hoạt động thể chất, tinh thần để có thể cải thiện sức khỏe.
“Chúng tôi không khám phá ra cái bánh xe, không có gì là mới mẻ.

 

Chỉ là chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt ở Fusion, nơi tập trung vào phương diện sức khỏe thông qua các gói chăm sóc được tính trọn vào chi phí nghỉ dưỡng,” Atilla Erda, người Thụy Sĩ, COO của Fusion nói với Forbes Việt Nam.


Nếu xét riêng lẻ từng dịch vụ hay sản phẩm, các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng cao cấp cung cấp những sản phẩm tương tự Fusion Resort Phú Quốc (mà có thể tính mức giá có thể tới 200 đô la Mỹ cho liệu trình spa kéo dài hai tiếng). Nhưng đến nay, Fusion là nơi duy nhất tại Việt Nam “đóng gói” các sản phẩm spa, ẩm thực, hoạt động phục hồi và cải thiện thân - tâm - trí và tính trọn vào giá phòng. Thay vì chỉ tắm biển, tắm nắng, nghỉ dưỡng, ăn buffet hay theo thực đơn, khách nghỉ tại Fusion tham gia các bài tập yoga, thể hình, trò chuyện về dinh dưỡng và tìm hiểu chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dưỡng chất, các loại vitamin, và có hai liệu trình spa mỗi ngày. Nếu chọn lộ trình dài, họ còn khám phá các điểm tham quan và tìm hiểu văn hóa địa phương. 



Sau gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng, Fusion đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển mảng nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe chủ động (wellness tourism). Tập đoàn đang vận hành sáu khu nghỉ dưỡng và khách sạn tại Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng, Sài Gòn và Huế. Các thương hiệu gồm Fusion  Resorts (khu nghỉ dưỡng bờ biển), Fusion Suits (khách sạn trong thành phố), Fusion Originals (chuỗi khách sạn được đặt theo tên các danh nhân, nghệ sĩ), Fusion Retreats (khu nghỉ dưỡng mang đến các dịch vụ thư giãn và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu).

>> Xem ngay: Fusion resort & villas Đà Nẵng - tuyệt tác biệt thự bên biển Đà Nẵng, vận hành bởi Fusion 

Tập đoàn đang xây dựng các khách sạn mới tại Vũng Tàu, Quảng Bình, Hội An, Quy Nhơn, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng và Đồng Nai. Dự kiến đến năm 2022, Fusion sẽ đưa vào vận hành thêm 10 cơ sở với tổng số trên 1.000 phòng, căn hộ du lịch và villa.

 

WELLNESS TOURISM LÀ MỘT THỊ TRƯỜNG NGÁCH TRONG NGÀNH DU LỊCH, kết hợp hai ngành kinh doanh lớn là du lịch và y tế - chăm sóc sức khỏe.


Trong báo cáo công bố tháng 11.2018, viện Sức khỏe toàn diện toàn cầu (The Global Wellness Institute - GWI) ước tính quy mô thị trường nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe toàn cầu tương đương 639 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017. Theo GWI, năm 2017, du khách quốc tế đi nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe chi trung bình 1.528 đô la Mỹ/kỳ nghỉ, cao hơn 53% so với mức chi tiêu trung bình của du khách đi nghỉ bình thường.

Các khu nghỉ dưỡng tập trung vào loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe thường được thiết kế dựa theo đặc trưng liên quan tới văn hóa địa phương, phong cảnh thiên nhiên và sự đa dạng của thực phẩm địa phương đó. Một số khách có thể hài lòng với những liệu trình spa phổ biến, các lớp thể dục hay ly nước ép trái cây được chuẩn bị đủ chất cho chương trình thải độc.

Một số khác có thể đòi hỏi nhiều hơn, đặc biệt là những người trẻ, năng động, cá tính kỳ vọng tìm kiếm sự khác biệt ở điểm đến như những trải nghiệm độc đáo từ phương pháp liệu trình phục hồi sức khỏe của người địa phương với các loại thực vật và bùn khoáng địa phương gắn liền nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo. 

 

Chúng tôi không khám phá ra cái bánh xe, không có gì là mới mẻ. Chỉ là chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt ở Fusion, nơi tập trung vào phương diện sức khỏe thông qua các gói chăm sóc được tính trọn vào chi phí nghỉ dưỡng.” - Atilla Erda, COO Fusion -


Fusion là thương hiệu từng thuộc Serenity Holding do Marco van Aggele, người Hà Lan, sáng lập và điều hành từ năm 2010 đến 2017, trước khi bán lại cho Lodgis, công ty do quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) và quỹ Vinacapital (Việt Nam) góp vốn thành lập. Tại Việt Nam, Lodgis đã phát triển Fusion Resort Cam Ranh, mua lại 49% khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội,  Grand Hồ Tràm Strip, và mua lại đa số cổ phần khách sạn Raffles Hotel Le Royal (Phnom Penh) và Raffles Grand Hotel d’Angkor (Siem Riep). 

Trong số các khu nghỉ dưỡng và khách sạn do Fusion quản lý vận hành, có Alba Wellness Valley thuộc sở hữu của tập đoàn Openasia Group. Đây là khu nghỉ dưỡng rộng 50 héc ta tại Huế, khai trương từ tháng 4.2018, cung cấp các hoạt động cân bằng sức khỏe dựa vào thiên nhiên, từ tắm  suối khoáng tự nhiên, tới các hoạt động thể chất ngoài trời, tắm onsen và các chương trình cân bằng thân-tâm-trí. Ông Đoàn Viết Đại Từ, chủ tịch Openasia lý giải sự hợp tác với Fusion: “Openasia quyết định hợp tác vì Fusion là bên quản lý tốt nhất có thể đảm nhận thách thức và thực hiện được tầm nhìn của Openasia.” 



 

Trên thế giới, những người đi du lịch kết hợp chủ động duy trì hay cải thiện sức khỏe thường chi tiêu nhiều hơn cho một kỳ nghỉ so với du khách bình thường. Giá khởi điểm cho nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe cao nhất mà Fusion phát triển đang thuộc về khu nghỉ dưỡng hướng biển Fusion Maia Đà Nẵng – 577 đô la Mỹ/đêm.

Do tập trung vào các vận động thể chất và tinh thần, khu nghỉ dưỡng của Fusion thiết kế diện tích lớn cho các hoạt động này. Tại Fusion Resort Phú Quốc, khu vực Maia Spa có diện tích rộng hơn 11.210m² gồm vườn tiêu, 20 phòng trị liệu, các phòng xông hơi, hồ bơi, câu lạc bộ thể hình, phòng tập yoga trong nhà và sân tập ngoài trời.

Theo thông tin từ Fusion, tỉ lệ lấp đầy phòng trung bình của các cơ sở nghỉ dưỡng và khách sạn là 86%. Với hai lần spa / ngày bán “combo” trong giá phòng, hầu hết khách đều sử dụng, “vì không phải lúc nào trong cuộc đời bạn cũng có dịp được mát xa hai lần một ngày,” Atilla cho biết. 

Một cách ví von, cũng giống như kinh doanh rượu, thay vì chỉ bán vài chai rượu với giá rất cao, Fusion bán nhiều chai, và chấp nhận lợi nhuận trên từng chai ít đi. “Khách hàng hài lòng hơn và họ biết họ không bị trả giá quá cao,” Atilla nói. 

Cặp đôi blogger du lịch Donato Solimena và Giulia De Jesus đã đến 4 cơ sở nghỉ dưỡng của Fusion và đặc biệt yêu thích 2 điểm nổi bật: “spa trọn gói” và ăn sáng mọi lúc mọi nơi. “Hai dịch vụ này độc đáo và bạn không thể tìm thấy nó ở đâu cả,” họ cho Forbes Vietnam biết qua email.  



CHƯA TỚI 10% KHÁCH NGHỈ Ở FUSION HIỆN NAY LÀ NGƯỜI VIỆT NAM. Khách phần lớn đến từ Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, các nước châu Âu. Atilla cho biết Fusion đang mở rộng thương hiệu mới tập trung vào khách hàng người Việt Nam, với cơ sở đầu tiên mang thương hiệu Maia sẽ hoạt động tại Quy Nhơn dự kiến vào tháng 3.2020. Vẫn mang những yếu tố đặc trưng nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe nhưng cơ sở này sẽ điều chỉnh về mặt sản phẩm: Nếu các khu nghỉ dưỡng hay khách sạn của Fusion thường có hai liệu trình spa / ngày thì  ở thương hiệu này sẽ cung cấp một liệu trình. 

>> Xem chi tiết: Khu nghỉ dưỡng Fusion  Maia Quy Nhon Resort

Các khu nghỉ dưỡng hướng biển của Fusion thường có lời sau năm thứ ba, trong khi với dòng khách sạn thành phố cần tới hơn 10 năm. Các khu nghỉ dưỡng hướng biển của Fusion cần chuyên viên spa nhiều hơn mức trung bình của các khu nghỉ Fusion (0,7 người/phòng so với 0,6 người) nhưng “có thể vận hành bền vững,” theo Atilla.  Nhưng ông cũng cho rằng đầu tư vào nghỉ dưỡng “không phải là lĩnh vực đầu tư đem lại lợi nhuận sau một năm mà là khoản đầu tư lâu dài vào con người.”