GIÁM ĐỐC WORLD BANK: VIỆT NAM ĐANG ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI CHƯA TỪNG CÓ

Trang Chủ  /  Tin Tức  /  TIN THỊ TRƯỜNG

blog image

GIÁM ĐỐC WORLD BANK: VIỆT NAM ĐANG ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI CHƯA TỪNG CÓ

2023-12-18  /

Chia sẻ với các phóng viên trước khi hoàn thành nhiệm kỳ công tác, Giám đốc World Bank tại Việt Nam Ousmane Dione nói kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội “chưa từng có”.
Ông Ousmane Dione cho biết từ tháng sau, ông sẽ chuyển sang làm Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới phụ trách Ethiopia, Sudan, Nam Sudan và Eritrea.

Trong những chia sẻ khi sắp rời Việt Nam, ông Dione khen ngợi Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới về chống dịch Covid-19. Ông nói việc đóng cửa trường học trong nhiều tháng, ngừng các chuyến bay... đều là các “quyết định dũng cảm” khi chưa biết dịch diễn biến thế nào. Ông đánh giá cao “trách nhiệm tập thể” và “tinh thần kỷ luật” của người Việt Nam khi chống dịch.

Ông cũng bàn luận các đề xuất chính sách gần đây của Ngân hàng Thế giới về phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau Covid-19. Theo đó, Việt Nam đã có những kết quả tăng trưởng ấn tượng, nhưng khi các thuận lợi từ môi trường trong nước và quốc tế đã thay đổi, chiến lược phát triển của Việt Nam cần nhanh chóng được đổi mới.

“Quá trình đổi mới đưa Việt Nam đến được đây sẽ không phải là ‘Đổi mới’ có thể giúp Việt Nam phá vỡ ‘bức trần kính’. Thách thức ở đây là phải vượt qua giới hạn hiện tại”, ông Dione nói với các phóng viên. “Tôi gọi đó là Đổi mới 4.0”.



“Tôi tin tưởng hơn bao giờ hết là vận mệnh hoàn toàn nằm trong tay Việt Nam. Nếu có thay đổi đúng đắn, Việt Nam có thể nhanh chóng trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 5-10 năm tới. Những thay đổi đó là thiết yếu”.

Ông cho rằng đầu tiên, Việt Nam cần nhìn lại cách thức bộ máy nhà nước thực hiện, cung cấp các dịch vụ theo hướng chất lượng và tinh vi hơn, trên nhiều mặt, như quản lý nhà nước, lập kế hoạch, thực thi nhanh và hiệu quả, rồi báo cáo chính xác, minh bạch, để quyết định có thể đưa ra sớm hơn.

“Tôi tin Việt Nam làm được, nếu bạn nhìn lại cách thức chống Covid-19, bạn đã thấy một số yếu tố đó”, ông nói.

Thứ hai, Việt Nam nên chú trọng giảm sự thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp tư nhân nội địa, kèm theo đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số.

“Trong khi Việt Nam tìm chiến lược thu hút nhiều FDI hơn... việc tìm cách tăng cường kết nối giữa khối FDI và khối doanh nghiệp trong nước cũng quan trọng”, ông Dione giải thích. “Việt Nam không cần phải làm vậy ở mọi ngành, mà có thể chọn lọc”.

Thứ ba, ngoài việc củng cố khối tư nhân, liên kết với khối FDI cũng như các tiêu chuẩn thế giới, ông Dione khuyên Việt Nam nên tích cực hơn trong “ngoại giao kinh tế”.

“Việt Nam là một trong số các nước ‘chỉ có bạn’”, ông nói. “Việt Nam chưa tối ưu được nguồn vốn đó... vì vậy Việt Nam có dư địa để tái cấu trúc khối tư nhân và giúp họ khám phá các thị trường mới đang lên... dọn đường cho doanh nghiệp Việt tới các nước, mang lại công nghệ và của cải về cho đất nước”.

Ngoài ra, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết ông hy vọng Việt Nam có thể vừa tăng cường phát triển công nghiệp mà vẫn bảo vệ môi trường xanh, cải thiện chất lượng không khí, khắc phục ô nhiễm nước.

“Tôi đã tới 48 tỉnh tại Việt Nam, từ Hà Giang tới Cà Mau, nhiều người Việt Nam không nhận ra nước mình đẹp tới thế nào - từ sông, núi đến biển - có rất nhiều thắng cảnh, có rất nhiều để gìn giữ cho thế hệ sau. Nhưng điều đó không dễ”.

Trả lời về tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Dione nói hiệp định này là cơ hội “tuyệt vời” cho Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là nền kinh tế mở, vì với EVFTA, Việt Nam sẽ mở cửa thêm với 27 nước thành viên EU. EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn của mình, phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế.

EVFTA cũng sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa, trước đây thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật, Trung Quốc, giờ sẽ có thêm lựa chọn về điểm đến xuất khẩu. Người tiêu dùng Việt có thêm lựa chọn.

Nhưng ông cũng cho rằng Việt Nam cần phải làm nhiều hơn để tận dụng các hiệp định thương mại tự do nói chung và vẫn còn nhiều cơ hội chưa tận dụng được.

“(Các hiệp định) chưa được Việt Nam hiểu rõ, có khi là ở cấp quốc gia, có khi cấp địa phương, và ở các doanh nghiệp”, ông nói. “Việt Nam cần làm nhiều hơn để các lợi thế của FTA được biết đến”.

“Đối với các FTA, không nên chỉ tận dụng 100%, mà phải là 105%, chứ không thể 40-50%”, ông nói.