Dù đối mặt nhiều thách thức, nhưng nhiều phân khúc bất động sản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong năm 2020.
Tại Diễn đàn Bất động sản năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra các cơ hội, thuận lợi của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020.
Theo ông Nam, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn, bởi nước ta có dân số đứng thứ 15 thế giới, thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng…, dẫn tới hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu m2 nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị. Mặt khác, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại đang tăng nhanh.
“Từ giữa năm 2018 đến nay, thay vì bổ sung nguồn cung, các sản phẩm mới ra thị trường lại tiếp tục theo xu hướng nhỏ giọt. Nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiếu hàng vào cuối năm 2019 và trong các năm 2020 - 2022”, ông Nam nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO cho rằng, cơ hội và dư địa của các phân khúc bất động sản trong năm 2020 là rất lớn.
“Chúng ta có gần 100 triệu dân, dân số trẻ. Tầng lớp trung lưu có 30 triệu dân, dự kiến tăng lên 40 triệu vào năm 2025. Sức mua và nhu cầu nhà ở rất lớn, các phân khúc đều có cơ hội. Thu nhập của người dân ngày càng cao, nên nhu cầu về nhà ở sẽ ngày càng tăng trong những năm tới”, ông Bình phân tích.
Còn ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì nhận định, năm 2020, thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Cơ sở kinh tế, cơ sở thực tiễn đều cho thấy, bất động sản năm 2020 không thể đi xuống. Nhưng phải xác định phân khúc nào phát triển, phân khúc nào ổn định, hay phân khúc nào cần phải điều chỉnh.
“Năm 2020 sẽ có những điều chỉnh rất lớn từ Nhà nước. Khi có những chính sách điều chỉnh, đặc biệt về hoạt động đầu tư kinh doanh, thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay các nhà đầu tư cũng phải điều chỉnh theo. Luật Đất đai năm 2020 sẽ được trình Quốc hội, theo chiều hướng tháo gỡ giúp doanh nghiệp phát triển, chứ không phải hạn chế, cản trở”, ông Khởi nói.
Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, dư địa phát triển rất lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế.
“Dự báo, trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm, thời gian nghỉ trung bình 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ 3 - 4 ngày… Việt Nam sẽ cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp”, ông Nam nhận xét.
Cùng với đó, ông Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp đang có cơ hội lớn. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
“Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”, ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Bình cho rằng, năm 2019, bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch đã trở thành điểm nhấn nhờ dòng tiền chuyển dịch mạnh mẽ, dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc đi nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần khai thác ngoại lực này để đẩy mạnh phát triển bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.
Phân khúc tiếp theo được nhận định sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2020 là nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực đô thị trong cả nước.
Theo ông Khởi, nguồn cung nhà ở giá rẻ đang rất thiếu. “Các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án của mình và chắc chắn, năm 2020 sẽ có sản phẩm bán ra. Năm nay, nguồn cung sản phẩm ít là do nhiều dự án phải tạm dừng để điều chỉnh. Cơ quan chúng tôi cũng đang tiếp nhận rất nhiều dự án nộp đơn xin điều chỉnh cơ cấu, thậm chí điều chỉnh từ condotel sang nhà ở, với số lượng có thể lên tới vài ngàn căn”, ông Khởi cho biết.
Theo ông Khởi, Bộ Xây dựng luôn đề xuất khuyến khích, xây dựng cơ chế ưu đãi cho loại nhà ở thương mại giá thấp để thúc đẩy nguồn cung. Đây là yếu tố cần thiết để thúc đẩy thị trường. Về phía doanh nghiệp, hiện là thời điểm cần thay đổi cơ cấu sản phẩm.
“Nếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này, tôi tin là sản phẩm ra đến đâu sẽ bán hết hàng đến đó”, ông Khởi nhận định.