Báo cáo tổng quan thị trường Khách sạn Đà Nẵng 2019: Thị trường khách sạn Đà Nẵng đang bùng nổ số lượng cơ sở lưu trú trong 5 năm vừa qua, nhưng chủ yếu là các cơ sở lưu trú cấp thấp, trong khi vẫn thiếu các cơ sở 4, 5 sao.
Dọc theo tuyến đường ven biển kéo từ quận Sơn Trà sang Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), giáp ranh với khu vực thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng các cơ sở lưu trú mới tăng lên rất nhanh, nhất là khu vực đường Võ Nguyên Giáp, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại…
Số lượng các khách sạn mới 1 - 3 sao đang tiến hành xây dựng cũng dày đặc tại khu vực này. Thậm chí, nhiều cung đường chỉ khoảng 500 m nhưng có đến 50 - 70 khách sạn.
Thực trạng xây dựng khách sạn quá nhiều, mật độ xây dựng dày đặc đã khiến khu vực ven biển thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn trở nên áp lực về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xả thải, quản lý đô thị…
Báo cáo của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố ước tính đến tháng 6/2019 là 820 cơ sở với 37.432 phòng, tăng 100 cơ sở với 5.901 phòng so với cùng kỳ năm 2018.
So với con số 435 cơ sở lưu trú với 15.625 phòng năm 2014, trung bình trong giai đoạn 5 năm qua, mỗi năm TP. Đà Nẵng tăng bình quân khoảng 100 cơ sở lưu trú. Trong đó, các cơ sở lưu trú dưới 3 sao, đặc biệt là phân khúc 2 sao có số lượng tăng lớn nhất.
Cụ thể, thống kê của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho thấy, trong tổng số 820 cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng, tính đến đầu tháng 6/2019, có đến hơn 700 khách sạn từ 1 - 3 sao và tương đương. Trong khi đó, khách sạn 4, 5 sao và tương đương chỉ có hơn 82 cơ sở.
==>> Xem thêm: Top biệt thự sân golf Đà Nẵng cho thuê
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, việc nhiều cơ sở lưu trú mới ra đời đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, từ phân khúc trung bình đến cao cấp, góp phần đảm bảo năng lực phục vụ các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến, kích thích phát triển các dịch vụ hỗ trợ đi kèm…
Tuy nhiên, điều này cũng phát sinh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở lưu trú như hạ giá phòng, chia sẻ lượng khách, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hệ thống giao thông…
Ngoài ra, sự phát triển quá nhanh các cơ sở lưu trú cấp thấp với mục đích “đầu tư kinh doanh bất động sản” của các chủ đầu tư, nên cũng đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dịch vụ, thương hiệu điểm đến Đà Nẵng.
Ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, việc gia tăng bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng khu vực ven biển đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị... Tuy vậy, hiện nay chính quyền TP. Đà Nẵng cũng đã có các giải pháp, chiến lược cụ thể nhằm khắc phục xử lý vấn đề. Trong đó, đáng chú ý, Đà Nẵng đã đầu tư hơn 200 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới để cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải thiện đường giao thông chiến lược trong đô thị…
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng giám đốc Furama Resort, Phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VAFIE) cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đang rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn cấp thấp, nhưng thiếu khách sạn cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng.
Đà Nẵng cần nghiên cứu hạn chế cấp phép xây dựng khách sạn 1 - 3 sao, thay vào đó là gia tăng xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp. Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố cũng cần đưa ra dự báo trong tương lai về nguồn khách du lịch, số lượng buồng phòng hiện tại và đưa ra khuyến nghị để giúp doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo hơn khi quyết định đầu tư xây dựng bất động sản du lịch.